Ngày đăng: 22/09/2023  

BỔ SUNG VITAMIN TRONG CHĂN NUÔI CHO GIA CẦM


Vitamin là chất có hoạt tính sinh học cao, với nồng độ thấp nhưng vitamin có vai trò quyết định sự tồn tại của tất cả quá trình sống. Vitamin cần thiết cho các quá trình trao đổi chất của cơ thể sống, tham gia vào cấu trúc của các nhóm enzyme xúc tác các phản ứng sinh hóa trong quá trình đồng hóa, dị hóa, quyết định sự sinh trưởng, sinh sản và tính kháng bệnh của gia cầm đặc biệt gia cầm đẻ vì cơ thể gà mái tạo ra trứng từ các chất dinh dưỡng có trong thức ăn ăn vào và được dự trữ trong cơ thể. Một vài vitamin có thể được vi sinh vật trong ruột tổng hợp nhưng rất ít nên cần thiết phải được bổ sung theo thức ăn hoặc nước uống.

  1. VAI TRÒ VITAMIN TRONG CHĂN NUÔI GIA CẦM

Vitamin A
Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc điều hòa trao đổi protein, lipid, glucid, cần thiết cho sự hoạt động bình thường của tuyến giáp trạng, vỏ tuyến thượng thận, các tế bào biểu mô, là nguyên liệu tạo rodopxin của thị giác.

  • Vitamin A có vai trò cho sự phát triển khung xương, sức lớn, thể trạng và hình thành da ở gà con.

  • Giúp cho màu lòng đỏ trứng đậm hơn, da và mỡ gà vàng trên gà đẻ.

  • Khi thiếu Vitamin A gà con còi cọc, chậm lớn, da chân khô, ráp, sừng hóa và viêm niêm mạc mắt, sừng hóa thanh khí quản nên dễ bị bệnh hô hấp, bệnh cầu trùng sẽ nặng thêm và khó chữa, dễ mắc những bệnh nhiễm trùng.

  • Khi thiếu vitamin A trên gà đẻ làm giảm năng suất trứng do buồng trứng phát triển kém, niêm mạc ống dẫn trứng bị sừng hóa, vỏ trứng mỏng. Tỷ lệ thụ tinh thấp, phôi sẽ ngừng phát triển, tỷ lệ chết phôi cao.

  • Nhu cầu vitamin A ở gia cầm phụ thuộc vào tuổi và sức sản xuất của chúng: gia cầm non đang sinh trưởng nhanh cần khoảng 12.000 – 15.000 IU/kg thức ăn, gà đẻ trứng cần 10.000 – 12.000 IU.

Vitamin B1 (Thiamine)

  • Khi thiếu vitamin B1 trên gà con, gà thịt có triệu chứng thần kinh: chân đưa về phía trước, các ngón chân run, đầu ngẩng lên trên (ngược với thiếu vitamin E đầu gập xuống), đi đứng khó khăn, loạng choạng.

  • Trên gà đẻ sẽ làm các phôi bị chết vào cuối quá trình ấp. Biểu hiện đặc trưng là viêm đa thần kinh (Polineuritis) ở gà con nở ra.

  • Gà giảm đẻ do nhu động ruột kém nên tiêu hóa kém, gà ăn ít. Tích nước trong mô nên thịt nhão, phù nề do tích nước dưới da nhiều, tình trạng nặng có thể co giật và chết.

  • Nhu cầu vitamin B1 cho gia cầm là 2mg/kg thức ăn.

Vitamin B2 (Riboflavine)

  • Vitamin B2 đảm bảo cho khả năng sinh trưởng, phát triển của đàn gà con khi nở. Rất cần thiết cho sự phát triển của phôi và giúp cho tỷ lệ ấp nở cao.

  • Thiếu vitamin B2 gà con sẽ bị còi cọc, chậm lớn, lông xù, chân bị liệt ngón co quắp, gà nằm sấp, di chuyển khó khăn,  viêm quanh khóe mắt, mắt nhắm, ghèn dính làm mắt mở khó khăn, tiêu chảy ở 2 tuần đầu.

  • Trên gà đẻ thiếu vitamin B2 còn làm giảm sản lượng trứng, gây tăng kích thước và chất béo ở gan làm phôi ngừng lớn, tỷ lệ phôi chết, phôi dị dạng (dạng chùy) tăng lên.

  • Vitamin B2 có nhiều trong các loại rau quả xanh non, mầm hạt, nấm men. Vitamin B2 rất dễ bị oxy hóa trong không khí và mau hư. Cần cung cấp cho gà con 3 – 4 tuần tuổi lượng vitamin B2 là 8mg/ kg thức ăn. Gà đẻ hậu bị: 4mg/kg thức ăn, gà đẻ Leghorn 0-6 tuần tuổi: 3,6mg/kg thức ăn. Gà thịt và gà đẻ cần 5 mg/kg thức ăn để tăng trưởng nhanh.

Vitamin B3 (Vitamin PP)

  • Khi thiếu Vitamin B3 ở gà con gây lông mọc kém, chậm lớn, viêm xoang miệng, vòm họng, viêm da ở góc mắt và miệng, viêm nứt các ngón chân, rụng lông, sinh trưởng chậm, giảm sức kháng bệnh.

  • Trên gà thịt có thể tiêu chảy do viêm ruột hoặc khớp gối lớn hơn bình thường, gà và vịt bị liệt chân.

  • Giảm năng suất, tỷ lệ ấp nở giảm trên gà đẻ.

  •  Nhu cầu đối với gia cầm là 20-30 mg/kg thức ăn hỗn hợp.

Vitamin B5  (Axit pantothenic)

  • Tình trạng thiếu vitamin B5 giống như thiếu vitamin B2 và B3, các lớp biểu bì của da và niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp bị tổn thương.

  • Trên gà đẻ gây tỷ lệ ấp nở kém.

  • Nhu cầu viatmin B5 ở gà con là 40 mg/kg thức ăn, gà đẻ là 30 mg/kg thức ăn.

Vitamin B6:

  • Khi thiếu sẽ dẫn đến tình trạng giảm tính thèm ăn, ăn ít, chậm lớn, gây thiếu máu.

  • Trên gà đẻ giảm năng suất trứng.

  • Nhu cầu đối với gà thịt là 4,5 mg/kg thức ăn, gà đẻ là 3,5 mg/kg thức ăn, khi tỷ lệ protein trong thức ăn tăng thì nhu cầu vitamin B6 cũng tăng lên.

Vitamin B7 (Vitamin H – Biotin)

  • Biotin là một loại vitamin quan trọng vì nó giữ vai trò trung tâm trong quá trình trao đổi dinh dưỡng mặc dù chỉ cần một lượng nhỏ.

  • Khi thiếu trên gà con 1 ngày tuổi có thể có triệu chứng thần kinh, gà ngửa đầu vào lưng và quay tròn liên tục cho tới chết, một số con có thể có biểu hiện đầu gập xuống bụng.

  • Trên gà thịt: khi thiết gây rụng lông, xơ xác, không bóng mượt, viêm da, rối loạn sự phát triển của bộ xương.

  • Trên gà đẻ làm tỷ lệ đẻ không giảm nhưng chất lượng trứng ấp giảm đáng kể, tỷ lệ phôi bị chết tăng.

  • Nhu cầu biotin của nhiều loài vật nuôi và các loài gia cầm trong khoảng từ 0.15 đến 0.30 mg/ kg theo khuyến cáo của NRC (1994). 

Vitamin B9 (Axit folic)

  • Vitamin B9 giúp gà con nở ra khỏe mạnh, lớn nhanh và lông phát triển bình thường.

  • Khi thiếu sẽ gây thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, gà con giảm tăng trọng, còi cọc, xuất hiện sự rối loạn sắc tố như trên lông đen, vàng có những đốm trắng.

  • Trên gà đẻ giúp đảm bảo tỷ lệ ấp nở cao. Nếu thiếu thì tỷ lệ chết phôi vào những ngày ấp cuối.

  • Vitamin B9 được vi khuẩn đường ruột tổng hợp, chỉ thiếu gà bị bệnh đường ruột. Nhu cầu vitamin B9 cho gà con là 1mg/kg thức ăn, gà đẻ là 0,7 mg/kg thức ăn.

Vitamin B12:

  • Khi thiếu Vitamin B12 gây hiện tượng thiếu máu, giảm tăng trọng, sức kháng bệnh kém và kéo theo thiếu Cholin.

  • Gà con bị chết phần lớn có liên quan với sự thiếu hụt Vitamin B12 vào lúc nở.

  • Nhu cầu vitamin B12 ở gia cầm phụ thuộc vào sự cung cấp đủ Methionin, Cholin, Vitamin B9, vitamin B3, nếu thiếu những chất này thì nhu cầu B12 sẽ tăng lên.

  • Trên gà đẻ vitamin B12 giúp đảm bảo tỷ lệ ấp nở trứng cao mặc dù nếu thiếu nó tỷ lệ đẻ của gà có thể không bị ảnh hưởng.

  • Nhu cầu vitamin B12 của gia cầm là 10 - 15 µg/kg thức ăn.

Vitamin C (Axit ascorbic)
Tham gia quá trình hô hấp tế bào, tăng cường các phản ứng oxy hóa khử, kích thích sự sinh trưởng và đổi mới tổ chức tế bào, tăng cường khả năng tạo huyết sắc tố, thúc đẩy sự đông máu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất và phẩm chất trứng, tinh trùng. Vitamin C tăng tổng hợp collagen trong quá trình hình thành xương và ảnh hưởng đến quá trình phát triển đĩa đệm. Là nhân tố quan trọng giúp cho quá trình chuyển Vitamin D thành dạng hormone hoạt động canxitriol.

  • Với gà con, vitamin có tác dụng làm cho xương chắc hơn, tăng tốc độ sinh trưởng. Bổ sung Vitamin C còn làm cho gà thịt tăng trọng cao hơn.

  • Ở gà mái đẻ già cơ thể không tổng hợp đủ Vitamin C cho các hoạt động sống, vì vậy, việc bổ sung Vitamin C sẽ làm tăng quá trình khoáng hóa (mineralisation) của cơ thể và tăng hiệu quả sử dụng khoáng hình thành vỏ trứng, giúp vỏ trứng dày, giảm dập vỡ, tăng khối lượng trứng.

  • Nếu thiếu Vitamin C sẽ làm giảm sản lượng chất lượng trứng, giảm tỷ lệ nuôi sống, giảm tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ ấp nở. Giảm khả năng đáp ứng miễn dịch và trung hòa độc tố.

  • Vitamin C được tổng hợp trong cơ thể nhưng trong những trường hợp gia cầm bị bệnh hoặc trong tình trạng stress thì nên cung cấp vitamin C cho gia cầm với liều 100 – 500 mg/kg thức ăn. Bổ sung Vitamin C với lượng 2.000 – 3.000 ppm trong thức ăn vào giai đoạn cuối của kỳ đẻ trứng.

Vitamin D3 (Cholecalciferol)
Vitamin D tham gia vào quá trình trao đổi chất khoáng, protein và lipid. Giúp điều hòa quá trình gắn kết Ca, P và Mg vào xương, kích thích các phản ứng oxy hóa khử.

  • Khi thiếu gia cầm con mắc bệnh còi xương, xương chân và xương lưỡi hái cong, dị dạng.

  • Vitamin D3 rất cần thiết cho sự phát triển của phôi vì nó liên quan chặt chẽ với quá trình trao đổi chất và hấp thụ canxi, phốt pho. Thiếu nhiều Vitamin D3 làm tăng tỷ lệ phôi chết và tỷ lệ nở thấp.

  • Khi bị thiếu Vitamin D3 thì chất lượng trứng sẽ giảm trước khi tỷ lệ đẻ bị ảnh hưởng. Tỷ lệ ấp nở trứng sụt giảm, tỷ lệ trứng dị dạng tăng. Gà đẻ bị bệnh xốp xương, xương dễ gẫy, bại liệt chân. Lòng trắng trứng loãng, trứng dễ bị dập vỡ.

  • Không nên cung cấp dư vitamin  D (quá 5.000 IU/kg thức ăn) vì sẽ gây vôi hóa ở thận, nếu kèm với dư protein thì tình trạng dư thừa sẽ nguy hiểm dễ gây chết.

Vitamin E (Tocoferol/Tocotrienol)
Vitamin E có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của các tế bào và có tác dụng chống ôxy hóa, bảo vệ các hợp chất sinh học và các acid béo chưa no, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi Phospho, glucid và protein, kích thích sự tạo thành các hoocmon thùy trước tuyến yên, tăng cường sự hấp thu các vitamin A và D, giúp ổn định thành mạch, màng tế bào của tuyến sinh dục, giúp cơ thể sử dụng Vitamin K.

  • Trên gà con, gà thịt khi thiếu sẽ gây tình trạng gà bị ngẹo đầu, mỏ trúc xuống, mất thăng bằng, loạng choạng, đi thụt lùi. Hoại tử cơ trắng vùng cơ ức và cơ đùi (giống như tình trạng thiếu Selen).

  • Trên gà đẻ nếu thiếu sẽ làm tăng tỷ lệ trứng không phôi, tỷ lệ ấp nở thấp. Giảm tỷ lệ thụ tinh, giảm tỷ lệ đẻ, trứng đã thụ tinh có phôi phát triển kém.

  • Vitamin E rất dễ bị phá hủy trong không khí, nhạy cảm với oxy và ánh sáng. Nhu cầu vitamin E cho gia cầm là 20 IU/kg thức ăn, khi hàm lượng chất béo trong thức ăn tăng cao 8 – 10% thì nhu cầu vitamin E tăng đến 30 IU.

Vitamin K
Vitamin K có tác dụng làm đông máu, được sử dụng trong thức ăn cho gà con và gà đẻ để phòng chống xuất huyết khi bị bệnh cầu trùng và bệnh Gumboro với liều 2 mg/kg thức ăn sẽ cải thiện được tỷ lệ nuôi sống.

  1. CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH

Khi gia cầm có triệu chứng về dinh dưỡng, thì phải bổ sung vào khẩu phần thức ăn và nước uống.
Sử dụng đúng liều lượng: Ở mỗi lứa tuổi hay cân nặng khác nhau, gia cầm sẽ có nhu cầu về Vitamin khác nhau. Cần tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo về liều lượng hay cách sử dụng để thuốc phát huy hết tác dụng. Cần tìm hiểu kỹ cách bảo quản đúng cách trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh việc đảm bảo thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, có thể chữa bệnh gia cầm thiếu Vitamin bằng cách sử dụng sản phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng của Công ty SANDO như TAVISOL++, STRESS KC, SAN ADESOL với đầy đủ lượng vitamin cần thiết bổ sung cho gia cầm để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của Quý khách hàng.
                 TAVISOL++, STRESS KC, SAN ADESOL với đầy đủ lượng vitamin cần thiết bổ sung cho gia cầm         



Kính chúc Quý khách hàng một mùa vụ chăn nuôi thành công!

Cảm ơn Quý khách hàng đã đồng hành cùng SANDO.

Bộ phận Kỹ thuật Thú y: P. Kỹ thuật – Marketing



Những bài liên quan
DOSAL - RÚT NGẮN THỜI GIAN NUÔI, GIẢM CHI PHÍ

DOSAL: Mang tôm to về cho bạn. Dùng định kỳ 5 ml/kg thức ăn, ngày 1 lần, suốt vụ nuôi

Bổ sung khoáng và chất kích thích miễn dịch trong nuôi cá

Bài viết được lược dịch từ nghiên cứu của Fernando Kubitza PH.D được đăng trên tạp chí Aquaculturealliance để cung cấp hàm lượng khoáng, vitamin và các chất hỗ trợ miễn dịch trên cá nước ngọt và cá rô phi nuôi...

Bệnh thường gặp trên trăn, rắn

Một số bệnh thường gặp trên trăng, rắn: bệnh ghẻ, viêm phổi, tụ huyết trùng, tiêu chảy

Nguyên lý kết hợp kháng sinh điều trị bệnh trong thú y và thủy sản

Nguyên lý kết hợp kháng sinh điều trị bệnh trong thú ý và thủy sản

Bệnh ve, bọ chét trên chó, mèo

Ve Rhipicephalus sanguineus có hình quả lê và màu nâu đen, chiều dài từ 3 – 4,5 mm (khi chưa hút máu)






Thông tin liên hệ

Công ty TNHH SANDO

Trụ sở: 64 Đường số 9, P. Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Văn phòng: 61A Đường số 8, KP3, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM

Nhà máy 1: Tổ 6, KP.4, P. Vĩnh Tân, TX. Tân Uyên, Bình Dương

Nhà máy 2: Lô LF22, Đường số 2, KCN Xuyên Á, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa, Long An

https://sando.com.vn

© SANDO 2004 - 2024. GPĐKKD số 0303567782 do Sở KH & ĐT TPHCM cấp ngày 16/11/2004.

Chính sách chung
Chính sách bảo mật thông tin khách hàng

Thiết kế và phát triển bởi KhaLa.

Chúng tôi trên các kênh